Cẩm nang làm đẹp
Tin tức

Các tin tức, sự kiện, chương trình khuyến mãi mới nhất
từ Phấn nụ Hoàng cung

Giữ phấn nụ cho đời sau - báo Tiếp Thị và Gia Đình

Mẹ tôi mất đã hơn mười bốn năm nhưng lời trăn trối của bà vẫn còn theo tôi mãi: “Hãy giữ lấy nghề tổ tiên nha con”. Với tất cả nhiệt huyết và lòng tự hào, tôi đã duy trì nghề làm phấn nụ của tổ tiên truyền lại. Và tôi lại tiếp tục khuyên nhủ con mình giữ lấy cái nghiệp ấy.

Sân bay Phù Bài, Huế, một ngày cuối tháng 10-2007. Trời nhạt nhòa nắng. Gió se se lạnh. Cảm giác ấu thơ cứ ùa về trong tâm trí mỗi lần tôi hít thở không khí quê nhà.

Xa quê bao nhiêu năm mà mùi khói rạ, lúa mới, khung cảnh yên bình vẫn đeo đuổi tôi nơi chốn thành đô nhộn nhịp. Bước chân tuổi xế chiều đều đặn về quê như duyên nghiệp với nghề đã định sẵn cho hai chị em tôi từ thuở lên năm.

VỮNG LÒNG NỐI NGHỀ TỔ TIÊN

Về quê, mục đích của tôi không chỉ giữ nghề mấy trăm năm của tổ tiên mà trong sâu thẳm, tôi muốn nhắc nhở mình nhớ về nguồn cội. Lời trăng trối của mẹ cũng là tâm nguyện của tôi trong tuổi xế chiều.

Dù có xa xôi nhưng trong tâm thức của người con tha phương, tôi vẫn nhớ về cố hương, bản quán. Tôi cũng hằng dạy con mình những điều như thế.

Con cái nay bộn bề công việc kinh doanh, học hành. Hầu như tôi chỉ về quê làm phấn một mình.

Biết tôi về, những mối giao hàng đến nhà. Họ vừa hỏi thăm sức khỏe, vừa hỏi số lượng hàng. Thăm hỏi người than quen xong tôi bắt tay vào chuẩn bị những công đoạn để làm phấn nụ.

Nửa đêm tỉnh dậy, sột soạt cây lá sau hè, tôi lại nao lòng nhớ tiếng chày giã đêm khuya của bố mẹ thời tôi lên năm, lên sáu.

Xưa kia, bà ngoại là một thị nữ trong cung đình nhà Nguyễn. Bà chính là người phụ trách việc sản xuất Phấn nụ để làm đẹp cho hoàng hậu và các cung tần, mỹ nữ.

Sau khi xuất cung, bà vẫn tiếp tục sản xuất phấn nụ để phục vụ nhu cầu làm đẹp của của chị em phụ nữ và truyền nghề lại cho mẹ tôi là bà Trần Thị Thiểu. Kể từ đó, mẹ tiếp tục duy trì và phát huy nghề truyền thống này.

Đến thành phố Huế, khi nói phấn bà Hường (mẹ tôi lấy tên theo chồng), ai cũng biết. Lúc sinh thời, khách đến làm đẹp, mua phấn đông vô số kể, tôi và chị Tùng phải tích cực phụ giúp mẹ.

Khi tuổi già sức yếu, sợ cảnh vô thường nên mẹ truyền nghề lại cho chị Tùng, người chị cả và tôi để tiếp tục giữ nghề truyền thống của gia đình.

Theo nguyên tắc của tổ tiên, nghề này chỉ truyền cho con gái ruột vì quy trình làm ra viên phấn nụ rất công phu và tỉ mỉ. Người làm phấn phải có tính kiên trì và nhẫn nại, nếu không khi làm có thể sẽ bỏ qua một số công đoạn dẫn đến phấn không đạt yêu cầu về chất lượng.

PHẤN NỤ, TINH HOA CỦA NGƯỜI VIỆT

Con gái trong gia đình được chọn truyền nghề từ khi mới lớn. Bố mẹ phải kèm cặp sát sao và dạy con những đức tính cần thiết. Nghề này không được truyền cho con trai bởi vì làm theo cách này, con dâu sẽ mang nghề gia truyền về nhà khác.

Nhà có chín chị em, năm gái, bốn trai, nhưng mẹ chỉ chọn chị Tùng và tôi nối nghiệp. 

Hồi đó, cứ khoảng mười một giờ khuya đến năm giờ sáng, đèn điện nhà kho lại sang tù mù cùng bếp lò rực lửa. Tôi mới lên năm nhưng được vào phụ giúp bố mẹ vì theo nguyên tắc, chỉ có những người được truyền nghề mới được vào phòng kín.

Nhiều lần tôi tò mò hỏi mẹ: “ Sao mình không làm ban ngày mà lại làm ban đêm?”. Mẹ nói, giọng xúc động: “Nghề này cần sự tĩnh tâm con ạ. Lam ban đêm nhằm tránh người ta để ý và mình có thể chú tâm vào công việc, không bị xao lãng”.

GIỮ ĐƯỢC NGHỀ PHẢI CÓ CÁI TÂM TRONG SÁNG

Mẹ thường kể chuyện phấn nụ là nghề gia truyền bao đời của dòng tộc với niềm tự hào. Nhiều đêm tôi buồn ngủ díp mắt lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, tôi vẫn nghe tiếng chày giã đều đặn của bố mẹ. Những tiếng chày trong đêm khuya vắng ấy cứ đeo đăng tôi suốt chặng đường đời.

Làm phấn nụ đòi hỏi phải tỉ mỉ từ khâu hứng lọc nước mưa, chọn lọc nguyên liệu cho đếnn nấu. Trong đó, nấu là công đoạn quan trọng nhất. Phải biết bỏ nguyên liệu vào đúng lúc và để lửa lớn, nhỏ theo từng thời điểm. Ngoài ra, tùy loại phấn mà thêm những nguyên liệu riêng. Khi đổ khuôn phải đều tay, nín thở. Nếu khôn, phấn không thành hình dáng.

Làm phấn nụ không cho phép bất cứ sai sót nào. Mỗi khi tôi làm công đoạn nào, bố mẹ đều đứng cạnh khuyến khích: “Học chữ khó mà con còn học được thì rang học nghề đi con”.

Dẫu vậy, mỗi lần làm sai, tôi đều bị bố mẹ đánh bằng roi mây. Mẹ nói: “Đánh đau để con nhớ mình đã làm sai ở đâu”.

Nhiều khi vì thương bố mẹ vất vả, tôi thủ thỉ rằng lớn lên sẽ làm nghề khác để có thu nhập tốt hơn. Nghe vậy, mẹ nó : “Làm nghề gì cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt thì cơm mới ngon con à”.

Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ làm phấn nụ từng công đoạn. Năm 1968, khi học xong đệ tứ, tôi mới thật sự chuyên tâm vào làm từ đầu cho đến khi phấn nụ thành phẩm.

Năm 1977, tôi cùng chồng chuyển vào TP HCM. Từ đó, vì bươn chải mưu sinh, tôi không trực tiếp làm. Ngoài công việc, ở nhà tôi bán thêm phấn nụ do mẹ gởi vào.

Năm 1993, chị Tùng sang Mỹ định cư. Trước khi đi, chị truyền lại nghề cho em gái út là Ái Thu (Hợp). Hơn một năm sau, mẹ tôi qua đời. Trước giờ lâm chung, bên con cháu tề tựu, mẹ nắm tay tôi khóc: “Các con nên sự nghiệp rồi. Dòng tộc mình có 3 nghề: làm phấn, làm son, làm dầu dưỡng tóc. Ba nghề con phải chọn một, phải giữ một nghề cho mẹ. Nếu không, con sẽ có lỗi với tổ tiên.”

Theo ý nguyện của mẹ, tôi và chị Tùng quyết định giữ nghề làm phấn. Một thời gian dài, hai chị em tôi không làm, nếu làm thì cũng chỉ bán cho khách quen. Từ năm mẹ mất, tôi mới bắt đầu chuyên tâm quay lại làm. Khi ấy các con tôi đã có công việc ổn định.

Mỗi năm tôi chỉ có điều kiện về quê một lần. Lợi dụng điều này, một người cháu họ xa đã mạo danh thương hiệu chị Tùng để sản suất, kinh doanh phấn nụ không đúng quy cách. Biết được, sợ thương hiệu bị ảnh hưởng, tôi bàn với Hợp về quê để giữ lấy chất lượng phấn nụ dòng tộc.

MONG NGƯỜI KẾ TỤC GIỮ HƯƠNG SẮC CHO ĐỜI

Ngày trước, khi truyền nghề cho chị em tôi, mẹ cứ dặn đi dặn lại, người làm nghề này phải có tính đằm, hiện dịu. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận thì không thể làm được vì sẽ dẫn đến làm ẩu, phấn gây kích ứng da.

Hàng năm tôi phải về quê mấy tháng để làm phấn vì chỉ có nước mưa xứ Huế và khí hậu xứ Huế mới cho ra loại phấn tốt. Trải qua bao đời, công đoạn làm phấn vẫn phải dùng tay. Có lúc lười, tôi bỏ vào máy quay sinh tố cho nhanh, kết quả, mẻ phấn đó hư hết.

Giờ tôi đã bước qua tuổi sáu mươi. Biết mình như chuối chin cây, nhiều đêm tôi vắt tay lên trán suy nghĩ, băn khoăn cho sứ mệnh giữ danh tiếng và không làm mai một nghề tổ tiên. Mấy đứa con trai đầu đã có sự nghiệp riêng. Chỉ còn cô út Khanh, cũng là con gái duy nhất của tôi, sinh viên năm 3 khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, muốn nối nghiệp mẹ.

Tôi thường tâm sự với Khanh: “Con muốn học thì cứ học, nhưng phải giữ cái nghề tay trái để giữ cái gốc của tổ tiên, bản xứ. Lâu lâu phải về thăm họ hàng, chăm sóc mồ mả”. Tôi chỉ sợ các cháu lo làm ăn, quên mất cái nguồn cội chứ làm nghề phấn nụ cực nhọc mà lợi nhuận chẳng được bao nhiêu.

Có dịp, tôi đưa con về quê hơn một tháng để cháu dần quen với việc làm phấn và bắt đầu dạy nghề cho cháu. Thế là tôi đã có thêm niềm vui mới khi tuổi già sức yếu vì con gái quyết tâm giữu nghề tổ tiên. Như có duyên với nghề, con gái tôi học rất nhanh. Nhìn cháu cặm cụi làm, tôi không cầm được giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi nghĩ đó là phúc phận của tổ tiên dành cho gia đình mình.

Tôi dự định cho cháu du học về ngành dược ở nước ngoài. Có như vậy mới đưa được phấn nụ ra thị trường, đứng cạnh tranh với các loại mỹ phẩm khác. Tôi muốn con nối nghiệp vì đó không chỉ là tinh hoa xứ Huế mà còn là niềm tự hào về một loại mỹ phẩm đặc biệt của Việt Nam.

Tiếp Thị và Gia Đình

Tham khảo các sản phẩm của Phấn Nụ Hoàng Cung tại đây

pre-loader.gif